Vietjet sắp mua thêm 29% cổ phần Thai Vietjet Air

Thứ năm - 22/08/2024 22:32
Công ty Thai Vietjet Air có vốn điều lệ 177 tỷ đồng và Vietjet đang sở hữu 9% cổ phần tại hãng bay Thái Lan mang thương hiệu Việt Nam này.
Vietjet sắp mua thêm 29% cổ phần Thai Vietjet Air

Trong báo cáo tài chính quý II, Vietjet Air cho biết hãng có thỏa thuận với các nhà đầu tư gồm Quince Investment và Asia Aero Services & Infrastructure về quyền mua cổ phần của Thai Vietjet Air để tăng sở hữu lên 38% trước tháng 9/2024.

Đây là thỏa thuận phát sinh từ năm 2018 giữa Vietjet và các nhà đầu tư. Ban đầu thời hạn mua cổ phần được ấn định trước năm 2021, tuy nhiên do tác động của đại dịch Covid-19, thời hạn thỏa thuận được thay đổi sang năm 2022, rồi kéo dài tới tháng 9 năm nay.

opensky_z62_8063.jpg
Thai Vietjet Air bay thương mại từ 2016. Ảnh minh họa: Thắng Nguyễn.

Dẫn đầu thị phần nội địa tại Thái Lan

Thai Vietjet Air là hãng bay hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương hiệu của Vietjet, ra mắt từ năm 2014 bắt đầu bay thương mại từ giữa năm 2016 với các đường bay nội địa tại Thái Lan và một số đường bay kết nối Thái Lan với Việt Nam.

Năm ngoái, Thai Vietjet đã vươn lên dẫn đầu về thị phần nội địa tại Thái Lan với tổng khách vận chuyển đạt 6,2 triệu lượt toàn mạng. Thái Lan luôn là điểm đến hấp dẫn và thu hút lượng khách nước ngoài lớn, nhờ đó Thai Vietjet có tình hình kinh doanh tích cực sau đại dịch.

Hãng đang vận hàng 18 tàu bay A320 và A321, trong đó có các tàu được thuê lại từ Vietjet. Trong đơn hàng 200 tàu bay Boeing 737 MAX của Vietjet ký với Boeing, dự kiến 50 tàu bay đầu tiên được giao cho Thai Vietjet.

Năm 2023, doanh thu từ cho thuê khô tàu bay của Vietjet với Thai Vietjet Air là 1.305 tỷ đồng, trước đó năm 2022 là 1.198 tỷ đồng. Ngoài ra còn doanh thu dịch vụ khác lần lượt là 79 tỷ đồng và 234 tỷ đồng.

Quá hạn khoản phải thu hơn 8.300 tỷ đồng

Dù sở hữu đội bay không nhỏ với mạng lưới đường bay nội địa và quốc tế, tình hình kinh doanh của Thai Vietjet không được công bố chi tiết. Trên thực tế, Vietjet cũng chưa góp vốn vào công ty này và không thuyết minh lý do. Ban điều hành Vietjet cho rằng việc này không có vi phạm hay ảnh hưởng trọng yếu nào cần thuyết minh.

Tuy nhiên, tình hình tài chính của Thai Vietjet được tiết lộ phần nào qua các khoản phải thu quy mô lớn đã quá hạn tại Vietjet. Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn từ Thai Vietjet đến cuối năm 2023 là hơn 8.300 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Dù vậy, ban điều hành Vietjet cho rằng các khoản phải thu này là có khả năng thu hồi do Thai Vietjet là đối tác chiến lược và công ty liên kết. Tình hình kinh doanh của Thai Vietjet trong 3 năm gần đây liên tục tăng trưởng và dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.

Phía Vietjet cho biết Thai Vietjet đã thuê công ty tư vấn định giá doanh nghiệp, tư vấn tái cấu trúc nợ và cơ cấu cổ đông cho giai đoạn 2024-2027. Kế hoạch tái cấu trúc này và kết quả định giá doanh nghiệp, Thai Vietjet có thể thanh toán nợ cho Vietjet trong tương lai.

Ở Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Vietjet Air đang phục hồi mạnh mẽ. Báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm, hoạt động khai thác của hãng đã cao hơn 2019, giai đoạn trước Covid-19.

Cụ thể, Vietjet đã vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay trong 6 tháng đầu năm, tăng lần lượt 11% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khách quốc tế là 5,5 triệu lượt, tăng 37% so với cùng kỳ nhờ việc "tăng tốc" bay quốc tế.

Doanh thu vận tải hàng không của Vietjet đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Ngoài ra doanh thu phụ trợ và hàng hóa của hãng tăng trưởng 27%, đạt hơn 11.400 tỷ đồng, đóng góp 37% vào tổng doanh thu của Vietjet trong 6 tháng đầu năm.

Lũy kế từ đầu năm, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất hơn 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỷ đồng. Giá nhiên liệu bay có xu hướng đi xuống và việc thúc đẩy doanh thu phụ trợ đã đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của hãng.

Gần đây, Vietjet công bố kế hoạch dự kiến nhận thêm 10 tàu bay mới, phần lớn là A321neo ACF, nhằm tăng khả năng cung ứng của hãng trong bối cảnh thị trường hàng không toàn cầu khan hiếm tàu bay và nhu cầu di chuyển tăng cao. Đội tàu bay mới bắt đầu giao đến hãng từ tháng 8 và hoàn tất vào cuối năm.

Để phục vụ cho việc mở rộng đội bay, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet Air đã tăng vay nợ ròng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay ngắn hạn được cung cấp bởi MSB, VIB, VietinBank và 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ 60 tháng.

Tác giả: Dohong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi